Wednesday, July 20, 2016

Đề thi thử - Đề thi năng lực tiếng Nhật các cấp độ N5-N1( Tháng 7 - 2015)

http://lophoctiengnhat.com/de-thi-thu-cac-cap-do-n5-n12015.html

Bỏ việc để theo đuổi ước mơ đa phần là ý tưởng cực kỳ ngu xuẩn!


Nguồn:

 http://cafebiz.vn/bo-viec-de-theo-duoi-uoc-mo-da-phan-la-y-tuong-cuc-ky-ngu-xuan-20160424225230134.chn

“Tôi chỉ dũng cảm và làm liều thôi”. Thông thường bạn sẽ được nghe phát ngôn này từ những doanh nhân giàu có, ngôi sao hàng đầu hay những nghệ sĩ thành công. Nhưng thực tế, đây chỉ là lời nói dối!

    Không lâu trước đây, bạn của tôi là Bryan đã quyết định từ bỏ công việc technical writer (công việc liên quan tới viết lách như: Viết tài liệu nội bộ, tạo ra các tài liệu hỗ trợ khách hàng hoặc chịu trách nhiệm phát triển nội dung blog) tại một tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500 với mong muốn làm một điều gì đó mới mẻ.
    Trong ngày làm việc cuối cùng, các đồng nghiệp của Bryan có suy nghĩ lẫn lộn, người thì tỏ ra ghen tị, một số khác lại bày tỏ sự ngạc nhiên. Họ không thể tin nổi Bryan lạinghỉ việc - một quyết định thực lớn lao và quan trọng trong sự nghiệp của anh ấy. Tuy nhiên sự thật là Bryan đã lên kế hoạch cho khoảnh khắc này từ... 10 năm trước.
    Với bất kỳ ai, nếu từng đọc qua một vài cuốn sách kinh doanh, lắng nghe được câu chuyện tự thân lập nghiệp của những những bậc thầy trên thương trường hay gặp lại một người bạn cũ thành đạt, rất có thể bạn sẽ được nghe cùng một cụm từ đó là: “Tôi chỉ dũng cảm và làm liều thôi”.
    Cụm từ này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói về những câu chuyện thành công điển hình. Đây là vấn đề liên quan tới việc dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và nhận lại thành quả.
    Thông thường bạn sẽ được nghe phát ngôn này từ những doanh nhân giàu có, ngôi sao hàng đầu hay những nghệ sĩ thành công. Nhưng thực tế, đây chỉ là lời nói dối!
    Thành công thường đến rất muộn
    Trong một buổi phỏng vấn mới đây, tôi đã được hỏi rằng anh đã trở thành một cây viết toàn thời gian như thế nào? Người phóng viên muốn biết lý do lớn nhất để tôi theo đuổi đam mê của mình là gì?
    Ngay lập tức tôi trả lời: “Không có. Không có điều gì quá to lớn cả. Chỉ đơn giản là sự cộng hưởng của hàng loạt những thứ nhỏ bé qua thời gian".
    Tôi không có khoảnh khắc giống như Jerry Maguire (Một nhân vật trong bộ phim điện ảnh cùng tên khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Jerry Maguire quyết định từ bỏ mọi thứ để có thể sống và hành động theo đúng với cảm nhận của mình), cũng không có những tuyên bố hùng hồn với cả thế giới rằng mình đã thay đổi mọi thứ.
    Tuy nhiên khi bắt đầu nhìn nhận một cách chân thực về thành công, tôi nhận ra rằng để đạt được một điều gì đó, luôn cần đến những chiến lược chậm và chắc.
    Trước khi bỏ việc hay tạo ra một bước thay đổi mới trong sự nghiệp của mình, hãy dành một khoảng thời gian để xây dựng và rèn luyện tất cả những kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc đó.
    Vào năm 1975, Bill Gates thành lập nên Microsoft. Tuy nhiên phải tới 6 năm sau đó, ông mới ký được hợp đồng với IBM.
    Tiếp theo phải mất 5 năm nữa công ty mới IPO và giúp Bill Gates trở thành triệu phú, kết quả ông được cả thế giới tung hô là vĩ nhân đạt được “thành công chỉ qua một đêm”.
    Với Steve Jobs, thành công thậm chí đến với ông muộn hơn rất nhiều. Khởi nghiệp cùng Steve Wozniak và thành lập nên Apple Computer vào năm 1976 nhưng không có gì nổi bật cho tới năm 1984 với sự ra đời của Macintosh. Sau đó, Steve Jobs thậm chí đã bị đuổi khỏi Apple và khi quay trở lại ông mới tìm được thành công cho mình.
    Một câu chuyện khác trong giới công nghệ là về 2 nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin. Họ khởi nghiệp công ty vào năm 1996 và phải 8 năm sau đó công cụ tìm kiếm Google mới đánh bại tất cả đối thủ cạnh tranh và hoàn thành thương vụ IPO với vốn hoá thị trường lên tới 23 tỉ USD.
    Cả 3 câu chuyện kể trên đều phù hợp với những gì nhà nghiên cứu K. Anders Ericsson gọi là học thuyết “luyện tập thận trọng” và “quy luật 10.000 giờ”.
    Trong nghiên cứu của mình, Ericsson đã tranh luận rằng với những ai muốn trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, họ cần ít nhất 10.000 giờ luyện tập và thực hành.
    Nói cách khác, trước khi bỏ việc hay tạo ra một bước thay đổi mới trong sự nghiệp của mình, hãy dành một khoảng thời gian để xây dựng và rèn luyện tất cả những kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc đó.
    Tuy nhiên hiện nay, với sự gia tăng không ngừng của những công ty khởi nghiệp công nghệ cùng việc dễ dàng khởi đầu một doanh nghiệp trực tuyến - chúng ta vẫn bị ám ảnh bởi suy nghĩ dám liều lĩnh, dũng cảm là có thể thành công.
    Tại sao ư? Bởi tất cả mọi người xung quanh chúng ta đều có cùng suy nghĩ cho rằng để có được một sự nghiệp thành công rực rỡ, chắc chắn người đó đã dám “đánh cược” với cuộc đời mình và sau đó nhận lại thành quả to lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy!
    Tiến sỹ Robert Maurer - tác giả cuốn “One Small Step Can Change Your Life” đã tranh luận rằng chúng ta luôn yêu thích ý tưởng về những thay đổi lớn, thậm chí ngay cả khi nó có thể gây ra tổn hại cho bản thân. Tuy nhiên đây không hẳn là cách những thay đổi to lớn nhất xảy ra.
    Tiến sỹ Maurer thậm chí còn đưa thêm dẫn chứng về “kaizen” - một thuật ngữ kinh tế của người Nhật, được ghép bởi từ “kai” có nghĩa là thay đổi và từ “zen” có nghĩa là tốt hơn, tức là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”.
    Thay vì cố gắng giảm cân nhanh chóng, hãy kiên trì luyện tập mỗi ngày 1 phút, 2 rồi 3 phút… Qua thời gian, một chuỗi những thay đổi nhỏ sẽ tập hợp thành một điều lớn lao và bền vững.
    Nhà triết học Aristotle cũng từng nói rằng: “Chúng ta là những gì mà chúng ta thường xuyên làm. Vì vậy sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động. Nếu làm một điều gì đó đủ lâu - bất kể điều gì, dần dần nó sẽ trở thành thói quen".
    Nếu không nên liều lĩnh chấp nhận rủi ro, vậy bạn nên làm gì?
    Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ - thật nhỏ. Hầu hết mọi người nghĩ rằng muốn có một điều gì đó tuyệt vời, chúng ta phải làm những điều lớn lao. Tuy nhiên, điều này không đúng.
    Mỗi ngày, rất nhiều người liều lĩnh theo đuổi những ước mơ của họ và đều mắc phải sai lầm này. Do đặt ra những mục tiêu "trên trời" mà không tiến hành những bước ban đầu cơ bản nhất. Và kết quả họ gặp thất bại.
    Thứ hai, hãy tạo lập cho mình một thói quen. Mọi thứ đều phải trả qua thực hành. Và càng làm nhiều, mọi việc sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Các thói quen luôn khiến mọi thứ trở nên dễ dàng và khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
    Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng khi nỗ lực trau dồi kỹ năng những gì bạn nhận lại được không phải là bước nhảy vọt bấp bênh mà là một cây cầu vững chắc được xây dựng hết sức thận trọng qua thời gian.
    Dĩ nhiên điều này không thể khiến bạn trở thành hình mẫu cho một câu chuyện thành công tuyệt vời nhưng nó là cách tốt nhất để có thể tồn tại lâu dài!
    * Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Jeff Goins - một doanh nhân, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Art of Work.

    Kinh nghiệm học tiếng Nhật - HAY

    Nguồn: http://yeunhatban.com/bi-quyet-hoc-chu-kanji-trong-tieng-nhat/

    >> Kinh nghiệm học tiếng Nhật :

    II. Cách nhớ mặt chữ

    Ngoài cách nhớ nói trên ( bộ, và các chữ đơn giản ghép thành ) các em cũng nên biết các nguyên tắc sau đây:
    1. Chữ 漢字 rất dễ quên, cần xem lại thường xuyên ( nếu được các em nên xem lại mỗi ngày ).
    2. Thay vì dùng nhiều thời gian để học một chữ, nên học lướt qua chữ đó nhiều lần ( mỗi chữ chỉ nên học 1, 2 giây, nhưng các em nên nhìn lại hàng trăm lần tại các thời điểm khác nhau ).

    III. Cách viết

    Chữ 漢字 được viết theo thứ tự: “Trái trước phải sau, trên trước dưới sau, ngang trước sổ sau”.
    Thí dụ: Chữ Hiệu校. Ta phải viết bộ Mộc trước vì nó nằm ở bên trái ( gồm 1 nét ngang, 1 nét sổ thẳng, 2 nét phẩy 2 bên ) rồi tới chữ đầu ( gồm 1 chấm, 1 ngang ) và chữ Giao ( gồm chữ Bát và 2 nét phẩy đè lên nhau ).
    Cũng có người viết không tuân thủ 100% quy tắc trên, mà viết theo sự thuận tay. Tuy nhiên đối với người mới học, các em nên tuân thủ nguyên tắc trên là tốt nhất.

    TÓM LẠI:
    1. Trong sách chữ kanji漢字 được xếp theo bộ vì người Việt có thể hiểu được nghĩa phần lớn các chữ 漢字 ( dẫu không nhận mặt chữ được hay viết được ). nhưng các em có thể nhớ được Bộ của từng chữ. Các em chỉ phải học phần còn lại ngoài Bộ mà thôi.
    2. Tên gọi và hình thù các bộ được liệt kê trong bảng kê các bộ, khi mới học các em không cần nhớ ngay bảng này, mà chỉ dùng nó để tra cứu, mỗi khi quên tên gọi của Bộ.
    3. Các em chỉ nên học viết sau khi đã thuộc kỹ mặt chữ, thuộc tới mức có thể nhắm mắt lại tưởng tượng ra hình dạng của nó ( theo thứ tự đánh vần ). Khi đó hãy cố tưởng tượng vẽ lại hình dạng đã tưởng tượng. Nếu vẽ ( hay viết ) đúng, có nghĩa là ta đã thuộc được chữ. Nếu sai, xem xét lại chỗ nào, viết lại lần nữa, và lần này chắc chắn sẽ không còn sai. Tóm lại, các em chỉ cần tập viết khoảng 2 lần là đủ.
    4. Nhưng điểm then chốt nhất vẫn là chuyện phải thường xuyên xem lại các chữ đã học, vì chúng rất dễ quên.
    Vì vậy, để có thể học tốt và nhớ chữ Hán lâu thì không có cách nào khác là chúng ta phải luyện tập và viết thường xuyên. Cô hi vọng một số chia sẻ trên sẽ phần nào giúp được các em trong việc học chữ Kanji. Chúc các em học tốt!

    Cách phát âm tiếng Nhật




    Nếu các bạn bắt đầu học tiếng Nhật, chắc chắn bạn sẽ học bảng chữ cái Hiragana đầu tiên, mà bắt đầu là "a i u e o", sau đó sẽ là "ka ki ku ke ko". Hôm nay tôi sẽ bàn với các bạn về phát âm tiếng Nhật. Tất nhiên là để phát âm chuẩn nhất thì bạn vẫn nên nghe người Nhật phát âm chuẩn để học, ở đây tôi chỉ nêu nguyên lý về phát âm tiếng Nhật mà thôi.

    Các bạn cũng nên tham khảo bài "Thanh điệu tiếng Nhật" để hiểu thanh điệu, nhịp điệu, cách phát âm âm dài và âm ngắn trong tiếng Nhật.


    Giới thiệu sơ lược các âm tiếng Nhật

    Các âm tiếng Nhật gồm các hàng sau: Hàng "A" (gồm: A, I, U, E, O), hàng "KA", hàng "SA", hàng "TA", hàng "NA", hàng "HA", hàng "MA" (mọi người vẫn nhớ theo dạng: Khi Sai Ta Nên Hỏi Mẹ), tiếp theo là hàng "RA", hàng "W" (gồm WA và WO), hàng "YA YU YO".

    Ngoài ra là các âm đục:
    • Hàng "GA" là âm đục của hàng "KA"
    • Hàng "ZA" là âm đục của hàng "SA"
    • Hàng "DA" là âm đục của hàng "TA"
    • Hàng "BA" là âm đục của hàng "HA"
    • Hàng "PA" là từ hàng "HA"
    Âm đục thì thường viết giống âm thanh kèm thêm dấu nháy, ví dụ: か => が, riêng hàng "PA" thì là dấu tròn: ぱ.
    Từ khóa: Âm đục = 濁音 daku-on (kanji: đục âm), Âm trong = 清音 sei-on (kanji: thanh âm)

    Tiếp theo là các âm ghép: Các bạn có thể xem bảng.
    Bảng hiragana chụp từ wikipedia. Nguồn: Wikipedia Tiếng Việt

    Phát âm và cách ghi romaji

    "A I U E O" (あいうえお) là câu đầu tiên mà học sinh Nhật phải "ê a" khi vào lớp một.
    • A: Giống "A" tiếng Việt
    • I: Giống "I" tiếng Việt
    • U: Giống "Ư" tiếng Việt. Chú ý là không giống "U" trong tiếng Việt nhé.
    • E: Giống "Ê" tiếng Việt. Chú ý là không phải là "E" tiếng Việt.
    • O: Giống "Ô" tiếng Việt. Không giống "O" tiếng Việt.
    Nhưng khi đọc cả cụm "あいうえお" thì do tiếng Nhật có thanh điệu nên không đọc là "a i ư ê ô" mà sẽ đọc là "à i ư ề ộ" nhé. Tương tự vậy, hàng KA "かきくけこ" sẽ đọc là "cà ki cư kề cộ" trong tiếng Việt. Nhớ là phát âm nhẹ nhàng thôi (giọng thành phố nhẹ nhàng là ổn).
    Đó là phát âm nguyên âm, còn dưới đây là phát âm phụ âm:
    • Hàng "ka" (かきくけこ): Phát âm như "ca ki cư kê cô" tiếng Việt.
    • Hàng "sa" (さしすせそ): Như "sa shi sư sê sô". Riêng "shi し" bạn không phát âm như "si" của tiếng Việt (chỉ có đầu lưỡi chạm kẽ hai hàm răng) mà phải phát âm nhiều âm gió là "shi" (áp cả lưỡi lên thành trên của miệng để tạo khe hẹp nhằm tạo ra âm gió). Tóm lại hàng này có âm "shi" là bạn phải chú ý phát âm sao cho nhiều âm gió nhất có thể. Bạn cứ tưởng tượng như phát âm "ch'si" vậy.
    • Hàng "ta" (たちつてと = ta chi tsu te to): "ta te to" thì phát âm như "TA TÊ TÔ" tiếng Việt. "chi" thì như "CHI". Riêng "tsu" thì phát âm gần như "chư" tiếng Việt nhưng hơi khác chút: Trong khi "chư" phát âm sẽ áp lưỡi lên thành trên miệng thì "tsu" chỉ chạm đầu lưỡi vào kẽ hai hàm răng để tạo âm gió ngắn và dứt khoát. Có thể tưởng tượng giống như khi phát âm "ch'xư" trong tiếng Việt vậy. Các âm "TA TE TO" thì một số người Nhật sẽ phát âm thành lai giữa "TA" với "THA". Bạn nên phát âm "TA" rõ ràng dứt khoát hơn trong tiếng Việt bằng cách đặt đầu lưỡi vào kẽ hai hàm răng và phát âm dứt khoát.
    • Hàng "na" (なにぬねの): Không có gì đặc biệt, phát âm là "na ni nư nê nô".
    • Hàng "ma" (まみむめも): Cũng không có gì đặc biệt => "ma mi mư mê mô".
    • Hàng "ra" (らりるれろ): Phát âm như "ra ri rư rê rô" nhưng nhẹ nhàng hơn, giống như lai giữa "ra" và "la" vậy. Nếu bạn phát âm "ra" theo kiểu tiếng Việt thì người Nhật nghe sẽ không hiểu. Còn nếu bạn phát âm là "la" thì người Nhật luôn hiểu. Bạn phải học cách phát âm nhẹ nhàng lai giữa "ra" và "la". Các ca sỹ Nhật Bản khi hát sẽ phát âm là "la" cho điệu đàng.
    • Hàng "wa wo" (わを): Phát âm như "OA" và "Ô". Mặc dù "wo を" phát âm giống "o お" nhưng khi viết romaji vẫn viết là "wo" (không phát âm là "ua" đâu nhé).
    • Hàng "ya yu yo": Phát âm là "ya" (ia), "yu" (iu), "yô" (iô). Chú ý là phát âm "y" rõ và liền với âm sau chứ không phát âm thành "da", "du", "dô" hay "gia", "giu", "giô" nhé. Nếu bạn phát âm như vậy người Nhật sẽ nghe nhầm thành ざ, じゃ, v.v.... => Nên phát âm rõ ràng không nên cẩu thả. 

    Các âm đục
    • Hàng "ga" (がぎぐげご): Như "ga ghi gư gê gô" tuy nhiên một số người già sẽ phát âm lai sang "ng" thành ra "nga nghi ngư nghê ngô" => Nên phát âm là "ga ghi gư gê gô" cho nó mạnh mẽ! (Người già thường phát âm yếu và nhẹ nhàng nên nghe ra lai giữa "ga" và "nga")
    • Hàng "za" (ざじずぜぞ): Như "za ji zư zê zô", "ji" phát âm với âm gió (không phải "di" Việt Nam mà áp lưỡi lên thành trên của miệng để tạo âm gió). じ và ぢ (hàng "đa") phát âm giống nhau. ず và づ phát âm giống nhau.
    • Hàng "đa" (だぢづでど): Giống "đa, ji, zư, đê, đô" ("ji" phát âm có âm gió). Để gõ ぢづ bạn gõ "di", "du". Nhiều khi bạn nghe người ta nói "ĐA" lại ra "TA" đó, hay mình nói với người Nhật là "Đa" họ lại nghe ra "Ta" vì tiếng Nhật hai âm này khá gần nhau.
    • Hàng "ba" (ばびぶべぼ): Giống "ba bi bư bê bô"
    • Hàng "pa" (ぱぴぷぺぽ): Giống "pa pi pư pê pô"

    Phát âm trợ từ
    Trợ từ は (đứng sau chủ đề và trước hành động) và へ (đi tới đâu, tới đâu) sẽ không phát âm là "ha" và "hê" như thông thường mà sẽ là "wa" (đọc: OA) và "e" (đọc: Ê) giống như わ và え.
    Trợ từ を (đứng sau để chỉ đối tượng bị tác động) dù viết romaji là "wo" nhưng không đọc "ua" mà đọc là "Ô" giống như お.
    Ví dụ chữ "Xin chào" Konnichiwa thực ra phải viết là 今日は (こんにちは) chứ không phải là こんにちわ như nhiều người Nhật vẫn viết sai (tất nhiên viết sai là わ thì bạn sẽ không chuyển được thành kanji!). Chào buổi tối "Kombanwa" cũng vậy, phải là こんばんは chứ không phải こんばんわ.

    母は花を買った(はははなをかった) => Ha-ha oa ha-na ô cát ta.

    Các âm ghép
    Các âm ghép dưới đây:
    • きゃ kya きゅ kyu きょ kyo
    • にゃ nya にゅ nyu にょ nyo
    • ひゃ hya ひゅ hyu ひょ hyo
    • みゃ mya みゅ myu みょ myo
    • りゃ rya りゅ ryu りょ ryo
    Và các âm đục:
    • ぎゃ gya ぎゅ gyu ぎょ gyo
    • びゃ bya びゅ byu びょ byo
    • ぴゃ pya ぴゅ pyu ぴょ pyo
    thì đọc đúng như cách ký âm romaji. Ví dụ "myo" đọc là "myô" hay "miô" như tiếng Việt nhưng liền với nhau.

    Các âm gió dưới đây thì sẽ đọc hơi khác:
    • しゃ sha しゅ shu しょ sho: Đọc như "sha", "shu" (không phải "shư" nhé), "shô" có âm gió, tức là áp lưỡi lên thành trên của miệng để đọc âm lai giữa (sha + shi'a)/2, (shu + shi'u)/2, (shô + shi'ô)/2.
    • ちゃ cha ちゅ chu ちょ cho: Đọc như "cha", "chu", "chô" nhưng với âm gió như trên.
    Âm đục:
    • じゃ ja じゅ ju じょ jo: Đọc như "ja" (gia), "ju" (giu), "jô" (giô) nhưng với âm gió như trên, ví dụ "jô" sẽ đọc lai giữa "giô" + "gi'ô".
    • ぢゃ (ja) ぢゅ (ju) ぢょ (jo): Không dùng mấy, thường dùng "じゃ ja じゅ ju じょ jo" thay thế và cách đọc cũng giống.
    Các âm gió này cũng có thể viết theo dạng:
    ja => zya, cha => cya, sha => sya, ju = zyu, v.v...
    nhưng mình không khuyến khích cách viết và cách gõ này lắm vì không phản ánh chính xác cach đọc.

    Cách đọc âm "n"
    Âm "n" (ん) đứng cuối âm khác để tạo thành âm "n", ví dụ たん => "tan". Đọc giống như âm "n" của tiếng Việt. Tuy nhiên, nếu đứng trước âm tiếp theo là hàng "M", "B", hay "P" thì phải đọc thành "M" dù vẫn viết là "ん".
    Ví dụ:
    • さんま sanma (cá thu đao) => Không đọc "san ma" mà là "sam ma", khi viết cũng nên viết thành "samma" cho đúng cách đọc
    • 日本橋 nihonbashi (cầu Nhật Bản) => Đọc là "ni hôm bà shi" thay vì "ni hôn bà shi"; Khi viết romaji nên viết là "nihombashi"
    • 散歩 sanpo (tản bộ, đi dạo) => Đọc là "sam pô", viết romaji nên viết là "sampo"
    Nếu âm "ん" đứng riêng và đọc như đọc một chữ cái thì đọc là "un" hay tiếng Việt là "ưn/ưng". Thường các ca sỹ khi hát thì sẽ đọc rõ từng chữ cái, ví dụ "たん" (tan) sẽ hát thành "ta ưn". Để gõ "ん" thì bạn gõ 2 lần chữ "n", tức là "n + n". Hoặc bạn gõ "n" rồi gõ tiếp phụ âm tiếp theo nó sẽ tự thành "ん".

    Cách đọc âm lặp ("tsu" nhỏ)
    Âm lặp là sự lặp lại phụ âm tiếp theo chữ "tsu" nhỏ ("tsu" nhỏ dùng để ký hiệu âm lặp).
    "tsu" nhỏ: っ; "tsu" bình thường: つ
    Ví dụ: 切手 = きって = kitte = con tem; để viết âm lặp này chỉ cần gõ 2 lần phụ âm tiếp theo, ví dụ "kitte" sẽ gõ là "K + I + T + T+ E", "発生 = はっせい = hassei" sẽ gõ là "h a s s e i".
    Âm lặp này bạn phải ngắt ở vị trí của "tsu" nhỏ, nó giống như khoảng lặng của dấu nặng trong tiếng Việt vậy. Do đó ví dụ về cách phát âm là như sau:
    • 切手 = きって = kitte (Tem): Phát âm là "kịt tê" thay vì "kít tê" nếu không người Nhật sẽ không hiểu
    • 発生 = はっせい = hassei (Phát sinh): Phát âm là "hạt sê" thay vì "hát sê"
    • 日光 = にっこう = nikkou (Nhật Quang): Phát âm "nịch cô" thay vì "ních cô"
    => Mấu chốt: Khoảng lặng giống dấu nặng tiếng Việt.
    Ghi chú: Nếu phát âm "kít tê" hay "hát sê" thì có thể người Nhật sẽ nghe nhầm thành "きて" hay "はせい".

    Cách đọc âm dài - âm ngắn
    Âm ngắn "~e" có âm dài là "~ei", ví dụ せ => せい.
    Âm ngắn "~o" có âm dài là "~ou", ví dụ ちょ => ちょう, そ => そう.
    Cách đọc:
    • Mặc dù viết "~ei" nhưng đọc là "~ê" thay vì "ê-i" hay "ây".
    • Dù viết "~ou" nhưng đọc là "~ô" thay vì "ô-ư".
    Ví dụ 先生 = せんせい = sensei đọc là "sen sê" (chứ không phải "sen sây").
    延長 = えんちょう = enchou (kéo dài) đọc là "en chồ" chứ không phải "en châu".
    Hay chữ cái tiếng Anh "A" nếu bạn đọc là "ây" như tiếng Việt thì người Nhật sẽ nghe ra là "I" (ai). Bạn phải đọc là "ê".
    Phát âm có trọng âm:
    Âm dài và âm ngắn nếu đi với nhau sẽ phải nói có trọng âm để phân biệt. Bạn nên tham khảo bài "Thanh điệu tiếng Nhật" để rõ hơn, ở đây tôi nêu vài quy tắc:
    • 住所 = じゅうしょ = juusho (địa chỉ, kanji: trụ sở): Âm dài "juu" đi với âm ngắn "sho" đọc như là "JÚ shồ" với trọng âm ở "JU".
    • 授業 = じゅぎょう = jugyou (tiết học, kanji: thụ nghiệp): Âm ngắn "ju" đi với âm dài "gyou" đọc như là "jụ gyô" với âm "ju" như có dấu nặng tiếng Việt ("jụ gyô" hay "jù gyô").
    • ラーメン = raamen (mỳ Nhật, mỳ ramen): Âm "raa" dài nên đọc là "RÁ mèn" với trọng âm ở "raa".

    Một số cách đọc: hito, gakusei
    Nhiều người đọc "hito" (人 = người) thành "khi tô" thay vì "hi tô", đọc "gakusei (学生 = がくせい = học sinh)" thành "gạc sê" thay vì "ga cư sê". Thực tế đây là các cách đọc đã thông dụng ("khi tô" và "gạc sê") nên nếu chúng ta đọc khác đi thì sẽ ít người hiểu.
    Hay là "Takahashi-san desu ka" thì đọc là "Ta-ca-hà-shi-sàn đẹtx ca/ (lên giọng)", tức là không đọc rõ âm "su" nhé (tất nhiên là một số người già và một số vùng đọc nặng có thể sẽ đọc rõ "xư"). Nghĩa là người Nhật đọc nhiều khi cũng không hẳn như chữ Việt mà bạn chỉ cần nghe và bắt chước.
    Nhiều người đọc không rõ ràng cũng đọc âm "tsu" (ch'ư) thành âm "su" (xư) ví dụ như 理屈 = りくつ = rikutsu (lý luận) thành "ri-kư xư" thay vì đúng là "ri-kư ch'ư".

    Trên đây là các cách phát âm tiếng Nhật mà SAROMA JCLASS đã tổng kết đầy đủ. Các bạn hãy quan sát và luyện tập nhé.

    Nguồn: http://www.saromalang.com/2012/10/cach-phat-am-tieng-nhat.html

    Đoán cách đọc của Kanji

    Nguồn: https://nipponkiyoshi.com/2014/12/20/doan-cach-doc-cua-kanji/

    Nếu như đã học tiếng Nhật được một thời gian, đã kinh qua một lượng chữ Hán tương đối, bạn nhiều lúc sẽ nhận ra nhiều lúc có những chữ khác nhau, nhưng cùng có một bộ thủ nào đó giống nhau bên trong thì có âm On đọc giống nhau. Chắc là có nhiều bạn đã nghiệm ra được rồi. Thực tế, có đến 67% Hán tự thông dụng (jouyou kani – 常用漢字) là có một bộ thủ nhằm chỉ âm (cách đọc). Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn vấn đề này.

    “Mổ xẻ” chữ Hán
    Một chữ Hán thông thường được cấu tạo bởi một số thành phần, hay là sự kết hợp của nhiều bộ thủ. Bộ phía bên trái thường để phân loại chữ Hán, “chữ Hán thuộc bộ nào” là ám chỉ đến bộ thủ nằm ở bên trái của chữ Hán. Chúng ta sẽ căn cứ theo bộ thủ này để tra từ điển Hán tự. Đôi khi bộ thủ này là gợi ý cho nghĩa của chữ Hán, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy (và thường là không). Phần bên phải/ Bộ thủ bên phải thường được biết đến là “hợp âm”. Bộ thủ này cho biết cách đọc của chữ Hán. Thường các chữ Hán nào có chung bộ “hợp âm” này đều có cách đọc âm On giống nhau. Như vậy, biết một chữ có thể biết được cách đọc của 6,7 chữ nữa (như ví dụ với chữ 寺 ở trên và các chữ 寺 時 持 侍 峙 塒 đều có âm On đọc là ji, có mỗi chữ 待 là có âm On đọc là tai).
    Tất nhiên, đây không phải là quy tắc tuyệt đối.
    Đầu tiên, có nhiều chữ Hán có bộ thủ chỉ âm nằm bên trái, và bộ thủ để phân loại nằm ở bên phải  và khi đó áp dụng quy tắc trên sẽ sai.
    Thứ hai, như đã đề cập ở trên, chỉ có khoảng 67% chữ Hán là có bộ chỉ âm, 1/4 trong số đó có những cách đọc đặc biệt, bất quy tắc (ví dụ như với chữ 待 ở trên). Do vậy, đây chỉ là một cách để đoán cách đọc của chữ Hán. Quy tắc này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn khi ôn luyện thi JLPT, vì trong phần thi từ vựng-ngữ pháp có phần tìm cách đọc đúng của chữ Hán. Và nếu như đang bí, hãy vận dụng bí kíp này:)
    Ví dụ
    Sau đây là một vài ví dụ về bộ thủ chỉ âm và các chữ Hán có chứa chúng (và có cách đọc giống nhau):
    几 (き) → 机, 肌, 飢
    亡 (ぼう) → 忙, 忘, 盲, 荒, 望, 妄
    干 (かん) → 汗, 肝, 奸, 刊, 岸
    己 (き) → 起, 記, 紀, 忌
    工 (こう) → 紅, 空, 虹, 江, 攻, 功, 肛,
    及 (きゅう) → 吸, 級, 扱
    士 (し) → 仕, 志, 誌
    方 (ほう, ぼう) → 肪, 坊, 紡, 防, 妨, 房, 謗, 傍, 芳, 訪, 放
    中 (ちゅう) → 忠, 沖, 仲, 虫, 狆
    化 (か) → 花, 貸, 靴
    反 (はん) → 版, 板, 坂, 飯, 販, 叛
    分 (ふん) → 粉, 紛, 雰
    半 (はん) → 伴, 絆, 拌, 判
    白 (はく) → 伯, 拍, 泊, 迫, 舶, 狛, 柏, 箔, 珀
    皮 (ひ) → 彼, 被, 疲, 被, 披
    付 (ふ) → 府, 符, 附, 俯
    包 (ほう) → 抱, 泡, 胞, 砲, 飽, 咆
    可 (か) → 河, 何, 荷, 苛, 呵, 歌
    古 (こ) → 居, 固, 故, 枯, 個, 湖, 箇, 沽, 姑, 苦
    生 (せい) → 姓, 性, 星, 牲, 惺
    正 (せい) → 征, 政, 症, 整, 性, 牲
    司 (し) → 伺, 詞, 嗣, 飼
    且 (そ) → 粗, 祖, 狙, 阻, 組
    旦 (たん) → 但, 胆, 疸, 担
    令 (れい) → 冷, 鈴, 零, 領, 齢, 鈴
    立 (りゅう) → 竜, 滝, 粒, 笠, 龍
    申 (しん) → 神, 伸, 呻, 押, 紳
    召 (しょう) → 招, 沼, 昭, 紹, 詔, 照
    安 (あん) → 案, 按, 鞍, 鮟
    同 (どう) → 洞, 胴, 桐, 恫, 銅, 洞, 筒
    寺 (じ) → 侍, 持, 時, 塒, 峙
    旬 (じゅん) → 洵, 殉, 恂
    各 (かく) → 格, 喀, 閣, 額
    圭 (けい) → 掛, 桂, 畦, 珪, 罫, 鮭, 硅
    糸 (けい) → 系, 係, 繋
    結 (けつ) → 潔
    光 (こう) → 恍
    交 (こう) → 校, 絞, 狡, 較, 郊, 効, 咬
    共 (きょう, こう) → 供, 恭, 洪, 哄
    次 (し)  → 姿, 諮, 資
    成 (せい) → 盛, 誠, 筬, 城
    朱 (しゅ) → 株, 珠, 殊, 蛛
    我 (が) → 峨, 蛾, 餓, 俄, 鵞
    甫 (ほ) → 浦, 捕, 哺, 匍, 補, 蒲, 輔, 舗
    見 (けん) → 硯, 蜆, 現
    辰 (しん) → 唇, 振, 賑, 震, 娠
    肖 (しょう) → 宵, 消, 硝
    弟 (てい) → 第, 剃. 涕
    廷 (てい) → 庭, 挺, 艇
    良 (りょう) → 郎, 浪, 朗, 狼, 廊
    直 (ちょく, しょく) → 植, 埴, 殖, 稙
    長 (ちょう) → 張, 帳, 脹
    非 (ひ) → 悲, 緋, 誹, 鯡, 琲, 扉
    朋 (ほう) → 崩, 棚, 硼
    果 (か) → 課, 菓, 踝, 顆
    官 (かん) → 棺, 管, 館
    奇 (き) → 崎, 埼, 椅
    其 (き) → 期, 欺, 棋, 基, 旗
    金 (きん) → 欽, 錦, 銀
    采 (さい) → 彩, 菜, 採
    青 (せい) → 清, 靖, 精, 晴, 請, 情, 鯖, 静
    昔 (しゃく) → 借, 惜, 錯
    尚 (しょう) → 常, 裳, 掌
    昌 (しょう) → 娼, 唱, 菖, 晶
    禺 (ぐう) → 遇, 寓, 隅, 偶
    扁 (へん) → 編, 偏, 篇, 蝙
    則 (そく) → 側, 測, 惻
    相 (そう) → 想, 箱, 霜
    湘 (しょう) → 廂
    莫 (ばく) → 摸, 膜, 漠, 博, 縛, 幕
    高 (こう) → 縞, 稿, 藁,
    曹 (そう) → 遭, 槽, 糟
    曽 (そう) → 贈, 僧, 憎, 増
    童 (どう) → 撞, 憧, 瞳
    義 (ぎ) → 儀, 議, 犠, 蟻, 艤
    孝* (こう) → 孝,  老, 考
    径** (けい) → 径,  経, 軽, 怪, 茎
    乍 (さく) → 作, 昨, 窄, 酢, 搾
    低** (てい) → 低,  底, 抵, 邸, 抵
    券* (けん) → 券,  巻, 圏, 拳
    根**  (こん) → 根,  痕, 恨, 懇, 墾
    退 (たい) → 腿
    峡** (きょう) → 峡,  狭, 挟
    浅** (せん) → 浅,  銭, 践
    珍** (しん) → 診,  疹, 参
    峰** (ほう) → 峰,  逢, 縫, 蜂, 蓬,
    俊** (しゅん) → 俊, 峻, 悛, 逡, 竣, 浚
    通** (つう) → 通, 桶, 痛
    険** (けん) → 険, 験, 検
    過 (か) → 渦,  堝, 鍋, 蝸, 窩, 禍
    福** (ふく) → 福,  副, 複, 幅, 富, 蝠
    滴** (てき) → 滴, 適,  敵
    壁* (へき) → 壁, 癖
    燥* (そう) → 燥,  操, 藻
    * bỏ đi bộ thủ bên dưới
    ** bỏ đi bọ thủ bên trái
    Như vậy, với xấp xỉ 100 bộ thủ, nếu như nắm vững cách đọc thì bạn có thể đoán được cách đọc của hơn 500 chữ Kanji khác, xấp xỉ 1/4 jouyou kanji (Hán tự thông dụng), đó là một cách học hiệu quả. Nhờ cách đó, bạn có thể hệ thống hóa các chữ Hán mình đã gặp, đã học, để ý đến cấu trúc của chữ Hán, mối liên hệ giữa các chữ với nhau,… những điều đó sẽ giúp bạn đẩy nhanh quá trình học chữ Hán.
    Chúc các bạn học chữ Hán hiệu quả:)
    —————————
    Nguồn:
    How To Guess A Kanji’s Reading That You Don’t Know” by Koichi, Tofugu, April 30, 2014